Trong bất kỳ tổ chức, công ty nào, vai trò của người lãnh đạo đặc biệt quan trọng trong việc dẫn dắt sự thành công của tập thể. Một người lãnh đạo xuất sắc là người sẽ truyền động lực cho nhân viên, giúp họ phát huy hết khả năng của mình để cống hiến cho công việc cũng như dẫn dắt đội ngũ vượt qua thử thách. Ngược lại, một lãnh đạo tồi có thể tiêu diệt hết động lực của nhân viên, khiến họ hoặc sẽ rời khỏi tổ chức hoặc sẽ lụi tàn tài năng cùng với công ty.

Tác giả người Mỹ chuyên viết sách về nghệ thuật lãnh đạo John Calvin Maxwell cũng từng phát biểu vai trò quan trọng của nhà lãnh đạo: “Một nhà lãnh đạo là người hiểu rõ đường đi, dẫn bước và chỉ ra con đường đó.” Vậy những phẩm chất nào là không thể thiếu với một nhà lãnh đạo? Trong cuốn sách “Think and Grow Rich” của Napoleon Hill, ông đã chỉ ra 11 phẩm chất chủ yếu sau:

1. Lòng dũng cảm và tính kiên định

Đây là yếu tố phụ thuộc vào kiến thức và nghề nghiệp của mỗi người. Không cấp dưới nào muốn bị dẫn dắt trong tay một nhà lãnh đạo thiếu tự tin và lòng can đảm. Không có người cấp dưới thông minh nào chịu để cho một nhà lãnh đạo như vậy chi phối trong mọt thời gian dài.

2. Sự tự chủ

Người không thể tự điều khiển được bản thân anh ta thì không bao giờ có thể điều khiển được người khác. Sự tự chủ của người lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới noi theo, cấp dưới nào thông minh hơn sẽ thành công hơn.

3. Một ý thức mạnh mẽ về sự công bằng

Nếu không có sự hợp tình hợp lý thì không người lãnh đạo nào có thể chỉ huy và nhận được sự kính trọng từ cấp dưới của họ. Tất nhiên như Bill Gates từng nói, “cuộc sống vốn không công bằng-hãy tập quen dần với điều đó”, nên đòi hỏi sự công bằng từ một nhà lãnh đạo là điều khá khó. Nhưng một nhà lãnh đạo xuất sắc là người luôn hướng tới điều này và cố gắng thực hiện nó với nhân viên của mình.

4. Quyết định rõ ràng

Cựu chủ tịch kiêm CEO tập đoàn Chrysler từng nói về vai trò của việc đưa ra những quyết định rõ ràng: “Để thành công ngày hôm nay, bạn phải thiết lập những ưu tiên, quyết định bạn đại diện cho điều gì.” Những người luôn dao động trong việc ra quyết định cho thấy bản thân họ không có gì chắc chắn cả và họ không thể dẫn dắt người khác đến thành công.

5. Những kế hoạch cụ thể

Một người lãnh đạo thành công phải lập kế hoạch cho công việc của anh ta và thực hiện kế hoạch đó. Người lãnh đạo làm việc chỉ dựa trên cảm tình mà không có những kế hoạch thực tế và cụ thể thì cũng giống như một chiếc thuyền không có bánh lái. Sớm muộn gì anh ta cũng lái con tàu đâm vào đá mà thôi.

6. Thói quen làm việc vượt quá thù lao

Những nhà lãnh đạo tốt nhất giành được đỉnh cao của quyền lực bởi họ làm tốt ơn đối thủ.Một trong những “gánh nặng” của người lãnh đạo là họ phải luôn sẵn sàng làm nhiều hơn và tốt hơn những gì họ đòi hỏi ở cấp dưới.

7. Một tính cách dễ chịu

Người lãnh đạo cần phải được cấp dưới tôn trọng. Cấp dưới không thể tôn trọng một nhà lãnh đạo không có những yếu tố cần thiết tạo nên một tính cách dễ chịu.

8. Cảm thông và thấu hiểu

Một nhà lãnh đạo thành công phải biết thông cảm với cấp dưới anh ta. Hơn nữa, anh ta phải hiểu được họ và những vấn đề của họ.

9. Nắm vững các chi tiết

Thất bại hay sai lầm của một tổ chức hay cá nhân thường không đến từ những lỗi, lỗ hổng lớn mà xuất phát từ việc lơ là những chi tiết trong quá trình hoạt động. Muốn lãnh đạo thành công, nhà lãnh đạo phải nắm vững các chi tiết và khía cạnh về vị trí mà anh ta đang nắm giữ. Vì vậy việc chú ý đến những chi tiết để nhanh chóng khắc phục, tránh tích lũy thành sai lầm lớn là điều bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng cần đến.

10. Sẵn lòng nhận lấy hoàn toàn trách nhiệm về mình

Người lãnh đạo thành công phải sẵn sàng nhận trách nhiệm về sai lầm và thiếu sót của cấp dưới. Nếu anh ta đùn đẩy trách nhiệm này cho người khác, anh ta không còn là người lãnh đạo nữa. Nếu một trong số những người ủng hộ anh ta mắc lỗi và tỏ ra kém cỏi, người lãnh đạo phải thấy rằng chính anh ta mới là người thất bại và có lỗi.

11. Sự hợp tác

Herry Ford từng nói: “Đến với nhau là một sự khởi đầu, song hành cùng nhau là sự tiến bộ, làm việc cùng nhau là sự thành công” để nhấn mạnh vai trò của sự hợp tác trong bất kỳ một tổ chức nào. Một lãnh đạo dù có tài giỏi cũng không thể một mình đẩy công ty lên tới đỉnh cao nếu không nhận được sự hợp tác của nhân viên. Vì vậy phẩm chất cần thiết phải có đối với người lãnh đạo là phải hiểu và áp dụng được nguyên tắc cùng nỗ lực hợp tác và có thể thuyết phục cấp dưới cùng làm như vậy. Sự lãnh đạo đòi hỏi phải có sức mạnh và sức mạnh đòi hỏi phải có sự hợp tác.

Lãnh đạo có hai dạng. Thứ nhất và có hiệu quả nhất là lãnh đạo bằng sự đồng thuận và cảm thông của cấp dưới. Dạng thứ hai là lãnh đạo bằng quyền lực mang tính cưỡng chế mà không cần có sự đồng cảm của cấp dưới.

Có nhiều bằng chứng trong lịch sử cho thấy lãnh đạo bằng cách cưỡng chế không thể tồn tại lâu dài. Con người nói chung không thích phục tùng vô hạn định theo sự lãnh đạo mang tính cưỡng chế.


Thảo Nguyên

Theo Infonet