“Nếu quy định dán tem bia được Chính phủ ban hành, thì chẳng những DN chịu thiệt hại, mà mọi chi phí sẽ được tính cho người tiêu dùng. Rút cục, người tiêu dùng chính là người chịu thiệt thòi trong khi chỉ có một số ít nhóm lợi ích được hưởng lợi” - TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) - cho biết.

Dán tem, bia tăng giá 3.000 tỉ đồng/năm

VBA cũng chính thức có văn bản gửi cơ quan chức năng và Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) để phản đối quy định về dán tem bia. Theo VBA, tại Điều 8 dự thảo nghị định trên đặt ra yêu cầu dán tem quản lý đối với cả sản phẩm bia sản xuất trong nước và nhập khẩu. Tuy nhiên, điều này chưa phù hợp với thực tiễn kinh doanh của ngành bia, dẫn đến việc tăng thêm chi phí một cách không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN).

TS Nguyễn Văn Việt phân tích: Với giá mỗi con tem khoảng 200 đồng (đã bao gồm thuế), ước tính chi phí dán tem cho 3 tỉ lít bia tiêu thụ một năm, tương đương với gần 10 tỉ sản phẩm bia, là khoảng 3.000 tỉ đồng. Trong đó, 2.000 tỉ đồng là chi phí mua tem, 1.000 tỉ đồng là chi phí in ấn, khấu hao máy móc và các chi phí khác. Với giá con tem là 600- 700 đồng/tem, tổng chi phí có thể lên tới khoảng 17.000 tỉ đồng. Chẳng hạn, với sản lượng sản xuất 1,36 tỉ lít bia/năm (số liệu năm 2013), TCty CP Bia - Rượu-NGK Sài Gòn (Sabeco) sẽ bị đội chi phí sản xuất thêm khoảng 800 tỉ đồng/năm.

Chưa kể, một số khoản chi phí khá lớn chi cho việc mua sắm máy móc nhận diện tem, thuê nhân lực thực hiện và giám sát việc dán tem… Tuy nhiên, một vướng mắc tiếp theo là công suất tối đa của dây chuyền dán tem hiện chỉ là 40.000 đơn vị sản phẩm/giờ, trong khi một số dây chuyền sản xuất tại các nhà máy bia có công suất đạt tới 90.000-120.000 sản phẩm/giờ. Nếu áp dụng dán tem thì các nhà máy buộc phải đầu tư xây dựng thêm dây chuyền sản xuất mới để bù đắp phần công suất bị thiếu hụt, nhằm ổn định sản lượng.

Việc dán tem cũng không giúp hạn chế được hàng giả và buôn lậu như kỳ vọng” - TS Việt cho biết. Thực tế đã chứng minh, việc chống buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) bằng cách dán tem của các mặt hàng rượu, thuốc lá… là không hiệu quả. Rượu và thuốc lá giả, nhập lậu vẫn tràn ngập thị trường, không những vậy, cơ quan chức năng còn phải đối phó với nạn tem giả.

TS Phan Đăng Tuất - Chủ tịch Sabeco - cũng thừa nhận: Dán tem bia chỉ tạo kẽ hở cho tiêu cực phát sinh, mà không đẩy lùi được nạn hàng giả, hàng nhái. “Có thể thấy, thay vì phải làm giả nhiều khâu như mẫu chai, nhãn, nắp chai bia, các đối tượng chỉ cần tập trung làm tem giả, dẫn đến hậu quả là có hẳn thị trường mua bán tem, khó kiểm soát, trong khi Nhà nước bị thất thu thuế và nguy cơ rối loạn thị trường tăng cao” - ông Tuất chia sẻ.

Dân uống bia 'gánh' thêm 3.000 tỉ đồng/năm? (1)

 Doanh nghiệp bia đang kêu trời vì bị tăng hàng nghìn tỉ đồng nếu phải dán tem bia. 

Vẫn lọt lưới bia lậu

Theo ông Nguyễn Đăng Sinh - Chánh Văn phòng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương): Qua kết quả đấu tranh chống buôn lậu và GLTM của Cục Quản lý thị trường thời gian qua cho thấy, hoạt động buôn lậu và làm giả mặt hàng bia lon, bia chai là không đáng kể và có thể kiểm soát được.

Trong khi đó, đối với các sản phẩm bia hơi, bia cỏ - những loại bia bình dân với số lượng tiêu thụ lớn, được đông đảo người tiêu dùng sử dụng, dễ bị làm giả nhưng lại không có chế tài dán tem, hoặc dán tem không khả thi. Vì vậy, hiệu quả ngăn chặn hàng giả không cao nếu so với số tiền hàng nghìn tỉ đồng phải chi cho việc dán tem quản lý bia.

Không chỉ các DN mà nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận: Nếu phải bỏ ra 3.000 tỉ đồng là chi phí thấp nhất để áp dụng việc dán tem bia, thì chi phí này ắt sẽ đổ vào người tiêu dùng. Và người được hưởng lợi cũng không phải là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bia, mà sẽ vào ngân quỹ của các nhà cung cấp thiết bị dán tem, và một số đối tượng đầu cơ, buôn lậu tem...

Rút cục, người tiêu dùng lĩnh đủ, còn cơ quan quản lý thì không đạt được mục tiêu là giảm buôn lậu, GLTM. Hiệp hội Bia-Rượu-NKG VN kiến nghị, thay vì dán tem, cơ quan quản lý có thể áp dụng việc kiểm soát sản phẩm thông qua hệ thống mã vạch, mã số. Hiện các doanh nghiệp sản xuất bài bản đều có hệ thống mã vạch, mã số và lưu hồ sơ quản lý từng đơn vị sản phẩm bia theo ngày, theo lô sản xuất.

Vì vậy, từ hệ thống mã số, mã vạch này, cơ quan chức năng có thể dễ dàng tra cứu, rà soát các thông số, nguồn gốc của sản phẩm, mẻ nấu… thông qua các phương tiện điện tử. Thao tác tra cứu này rất đơn giản, dễ dàng và chính xác mà không gia tăng thêm chi phí.

>Theo Hồng Quân

Lao Động