Tại “Hội thảo Kinh tế thế giới và Viêt Nam: Thực trạng 2014 và triển vọng 2015” do VPBank tổ chức sáng 4/11, các chuyên gia đã đưa ra nhận định của mình về nền kinh tế Việt Nam và thế giới trong năm 2014, đồng thời cũng đưa ra những dự đoán cho năm 2015.
Lạc quan trong thận trọng
Theo ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào, nhận xét rằng:
Tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, nhưng rủi ro thì vẫn lớn. Nợ công của Việt Nam đang đáng lo, trong khi hiệu quả kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn đang làm dấy lên những rủi ro tài khóa của Việt Nam.
Khu vực ngân hàng cũng cần được tái cơ cấu, sáp nhập để làm sao có hệ thống ngân hàng đủ mạnh, nợ xấu được cải thiện. Cũng cần cải cách nền kinh tế để cải thiện năng suất, chất lượng.
Trong 2 năm qua, kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều bất ổn song đã có sự thay đổi khá tích cực. Tuy nhiên, IMF vẫn khuyến cáo, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế.
Tuy cùng chung đánh giá khá tích cực về kinh tế Việt Nam, ông Barry Weisblatt, Giám đốc Khối Phân tích VPBS cho rằng, Việt Nam nên duy trì con đường tăng trưởng thận trọng.
Theo báo cáo từ VPBS, tổng sản phẩm nội địa (GDP) 2014 Việt Nam ước tính tăng 5,8%. Các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy sự ổn định cùng với việc đàm phán, ký kết những hiệp định thương mại mới là những nét chính trong bức tranh kinh tế Việt Nam 2014.
Các diễn giả làm việc tại hội thảo. Ảnh : VPBS.
Bên cạnh ý kiến của các chuyên gia nước ngoài, các chuyên gia, diễn giả khách mời trong nước như TS Trần Đình Thiên, giáo sư Nguyễn Mại, TS Võ Trí Thành và TS Lê Xuân Nghĩa cũng tham gia thảo luận về những điểm chưa tốt của kinh tế trong nước và các biện pháp khắc phục cụ thể.
Khác với các nhận định lạc quan từ các chuyên gia nước ngoài, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lại tỏ ra thận trọng hơn:
Sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam còn rất mong manh. Ví như nói tăng trưởng ở khu vực công nghiệp đã tốt hơn, nhưng ai là người đóng góp cho điều đó? Nói về tăng trưởng xuất khẩu cũng thế, lực lượng nào đóng góp nhiều nhất? Vẫn là khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Như vậy có nghĩa khu vực doanh nghiệp nội địa vẫn yếu. Và điều đó có nghĩa rằng, chúng ta cần tiếp tục có giải pháp để khu vực doanh nghiệp trong nước mạnh hơn.
Lựa chọn giữa 2 con đường
Trong báo cáo của mình, VPBS nhận xét rằng, Việt Nam đang ở trong giai đoạn khó xử khi nền kinh tế đứng trước hai lựa chọn và Chính phủ buộc phải đưa ra quyết định đuổi theo tăng trưởng hay duy trì sự ổn định.
Nếu Chính phủ quyết định gia tăng đầu tư để đẩy mạnh tăng trưởng, điều này sẽ dẫn tới sự gia tăng hơn nữa nợ công, Chính phủ sẽ phải phát hành trái phiếu tài trợ hoạt động đầu tư, dẫn tới chèn lấn tín dụng doanh nghiệp, tăng lãi suất cho vay trong khi tín dụng tăng chậm lại. Kết quả là lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giảm.
Nếu duy trì sự ổn định như đang làm trong 3 năm qua, tăng trưởng GDP sẽ được kìm hãm dưới 6%/năm, tiêu dùng giảm nhưng lạm phát sẽ được ghi nhận ở mức thấp, giúp cho tiền Đồng giữ giá. Để tiếp tục duy trì sự ổn định này, Chính phủ cần tập trung vào việc giảm nợ công thông qua các hoạt động tái cấu trúc Doanh nghiệp nhà nước để thoái vốn khỏi các doanh nghiệp không hiệu quả, thúc đẩy đầu tư tư nhân và thương mại trong khi duy trì giá trị tiền đồng.
Nếu Chính phủ tiếp tục con đường này, lãi suất cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp trong năm 2015, và giúp gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Cho dù chọn con đường nào, VPBS cũng cho rằng, giá cổ phiếu sẽ đi lên vào nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, nếu việc duy trì ổn định là mục tiêu tiếp theo trong năm tới, việc duy trì đà tăng trưởng sẽ dễ dàng hơn cho Việt Nam.
>> "Việt Nam cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế"
Vương Nguyên
Theo Infonet